Tổ chức lễ ăn hỏi và đón dâu cùng ngày
Nếu gia đình cô dâu chú rể cách xa nhau thì việc gộp
hai ngày lễ ăn hỏi và rước dâu làm một sẽ là biện pháp tiết kiệm chi phí
hiệu quả.
|
Việc gộp lễ ăn hỏi và đón dâu ngày càng phổ biến, nhất là trong những đám cưới ở miền Nam. Ảnh: www.aocuoithienduong.com |
Hiện nay, không ít cô dâu chú rể sinh ra và lớn lên ở
hai vùng đất xa nhau. Khi hai người quyết định cưới nhau, gia đình nhà
trai sẽ phải vượt đường xa tới nhà cô dâu để tiến hành lễ ăn hỏi, sau đó
một thời gian, nhà trai lại phải trở lại để làm thủ tục đón dâu. Trong
trường hợp như vậy, việc tổ chức đồng thời lễ ăn hỏi và đón dâu trong
cùng một ngày hoặc sát ngày nhau sẽ giảm thiểu sự mệt mỏi và chi phí đi
lại cho mọi người.
* Cách thức gộp lễ ăn hỏi và đón dâu
- Thời gian diễn ra hai nghi lễ: Có
thể tiến hành trong cùng một ngày hoặc lễ ăn hỏi hôm trước, đám cưới hôm
sau. Nếu nghi lễ diễn ra vào hai ngày liên tiếp, nhà trai cần đặt khách
sạn, nhà nghỉ ở gần nhà cô dâu để việc đi lại thuận lợi và tạo sự thoải
mái cho các thành viên trong gia đình.
- Đồ lễ: Nhà trai vẫn cần chuẩn bị
toàn bộ tráp lễ vật ăn hỏi, ngoài ra còn cần có một tráp trầu cau để khi
tiến hành lễ ăn hỏi xong, nhà sẽ làm thủ tục xin dâu luôn.
Ngoài ra, nếu cô dâu là người miền Nam, nhà trai phải
chuẩn bị một cặp đèn cầy có khảm hình rồng phượng để làm lễ lên đèn,
thắp hương trên bàn thờ gia tiên của nhà gái trong nghi lễ rước dâu.
- Trang phục: Nếu tổ chức ăn hỏi và
đám cưới trong cùng ngày, thời gian gấp gáp nên các bậc cha mẹ hai bên
không cần thay đổi quần áo trong hai buổi lễ này, chỉ có cô dâu phải
chuẩn bị cả áo dài cho nghi lễ ăn hỏi và váy cưới (hoặc một chiếc áo dài
khác) cho lúc đón dâu.
Nếu hai gia đình chuẩn bị lễ ăn hỏi và đám cưới trong
hai ngày liên tiếp thì việc thay đổi phục trang sẽ thoải mái hơn, tùy
thuộc vào sở thích của mỗi nhà.
|
Cô dâu chú rể sẽ phải tiến hành thắp hương trên bàn thờ hai lần. Ảnh: Serendipity. |
- Nghi thức: Những thủ tục chính trong lễ ăn hỏi và lễ cưới vẫn giữ như bình thường.
+ Nhà trai sẽ trao lễ vật ăn hỏi cho nhà gái, thưa
chuyện, rồi chú rể đón cô dâu xuống mời nước họ hàng. Tiếp đến nhà trai
xin phép nhà gái cho đôi uyên ương được thắp hương trên bàn thờ.
+ Sau khi ăn hỏi kết thúc, đoàn nhà trai xin phép cáo từ, bước ra khỏi nhà gái, coi như đã hoàn thành lễ ăn hỏi.
+ Tiếp đến, nhà trai cử người đại diện mang khay trầu
cau vào để làm thủ tục xin dâu, rồi đoàn nhà trai mới được tiến vào đón
dâu. Lúc này cô dâu vẫn phải tránh mặt để chú rể lên đón, mới được trở
lại chào họ hàng hai bên.
+ Sau khi nghi lễ chào hỏi kết thúc, cô dâu chú rể
phải thắp hương lần thứ hai trên bàn thờ gia tiên của nhà gái. Lúc này
nhà trai xin phép được đón cô dâu mới về nhà, hoàn thành thủ tục đám
cưới.
+ Khi gộp hai lễ ăn hỏi và đón dâu làm một, việc đãi
tiệc cũng chỉ diễn ra một lần, sau khi đã hoàn thành cả hai nghi lễ. Nếu
nhà trai có nhiều thời gian, nhà gái nên mời đoàn nhà trai ở lại dùng
tiệc trước khi đón cô dâu mới về nhà.
Việc gộp hai sự kiện trọng đại trong đám cưới sẽ giúp
các thành viên của hai gia đình không mệt mỏi vì phải di chuyển nhiều và
việc trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị tiệc cũng trở nên đơn giản hơn.